- Hà Nội - HCMC
- 086.268.0908
Thực hiện tour cà phê đến “thủ phủ cà phê” của Việt Nam, du khách khám phá “thế giới cà phê” Tây Nguyên với những trải nghiệm thực sự vị đắng, chát, mặn… và hương thơm còn vương mãi trong ký ức.
Một góc làng cà phê (ảnh do Glory Coffee cung cấp) |
Đi máy bay thì chưa đầy một tiếng đã đến nơi. Đi đường bộ mất gần mười tiếng vì có đoạn đường xấu, vất vả đôi chút nhưng mọi người cảm nhận được từng quãng đường lên Tây Nguyên, được ngắm nhìn núi rừng và những vườn càphê bạt ngàn.
Nhiều người tham gia hành trình nói, lần đầu tiên mới phân biệt được cây càphê chè (arabica) tuy thấp nhưng giá trị kinh tế cao, cây càphê vối (robusta) cho trái chứa hàm lượng cafein nhiều nhất, còn cây càphê mít cho hạt vị không ngon nhưng có hương thơm.
Du khảo
Để tạo được một vườn càphê không đơn giản vì ngoài chăm sóc càphê, còn phải trồng các loại cây chắn gió, che bóng cho cây càphê. Bởi Tây Nguyên vào mùa đông gió thổi mạnh, mùa hè thì nắng to. Trong chợ Buôn Ma Thuột có đến 20 gian hàng bán các loại hạt giống cây chắn gió cho càphê. Chị chủ gian hàng Thành Tuấn bảo, trồng càphê chưa biết thu hoạch thắng thua thế nào nhưng các chủ vườn đều phải lo trồng cây chắn gió. Ở viện Nghiên cứu càphê Eakmat, anh Hùng, kỹ sư của viện giới thiệu cho chúng tôi xem quy trình ươm, ghép, chăm sóc cây càphê giống và những cây chắn gió như muồng, mít, sầu riêng…
Hiện tại, Dăk Lăk có diện tích trồng và năng suất càphê lớn nhất, góp phần đưa Việt Nam lên vị trí số 2 thế giới về xuất khẩu càphê và là nhà xuất khẩu càphê vối hàng đầu. Vì thế, Dăk Lăk được gọi là “thủ phủ càphê” cũng xứng. Thành phố Buôn Ma Thuột có cả trăm quán càphê, đủ phong cách cho mọi giới, mọi lứa tuổi. Tuy đã vào đầu hè, nhưng buổi tối và sáng tinh sương ở Buôn Ma Thuột trời lành lạnh, uống ngụm càphê đặc pha trong chiếc cốc bé nóng hổi, sao ngon lạ lùng. Các công ty, cơ sở sản xuất càphê dạo này quảng bá thương hiệu khá mạnh, các gian hàng tạp hoá trong chợ Buôn Ma Thuột treo đầy các gói càphê.
Một trải nghiệm khó quên của du khách đến Tây Nguyên mùa này là, uống càphê ngắm bướm bay. Buổi sáng, có thể thấy bướm bay rộn rã, đậu rợp trên những bồn hoa. Nói đến Tây Nguyên, người ta thường nhớ câu hát “tháng 3 mùa con ong đi lấy mật…”, nhưng đầu mùa hè ở Buôn Ma Thuột, có lẽ do có nhiều loại cây trổ bông rực rỡ nên cả thành phố cao nguyên này hấp dẫn bướm đến, đẹp lạ thường!
Biểu diễn cách làm và pha càphê của người Ethiopia. |
Cả thế giới càphê trong làng Càphê Coffee Tour Resort, một khách sạn mới đón khách khoảng một năm, toạ lạc ở ngã ba đường Lý Thái Tổ – Nguyễn Hữu Thọ. Nằm bên cạnh khách sạn là làng cà phê – một địa điểm giới thiệu về cà phê lớn nhất ở Việt Nam. Bước sang làng Cà phê kề bên rộng 20.000m2 có khu vườn với các loại cây càphê vối (robusta), chè (arabica), mít…, đặc biệt nhiều cây cà phê đã 30 – 40 năm tuổi vẫn nở hoa, trái bám đầy cành. Ông Phi Long nhà ở Gò Vấp (TP.HCM), một du khách bảo, ông thích nhất bảo tàng Càphê thế giới trong làng Cà phê. Ông không ngờ chủ nhân bảo tàng Càphê thế giới Jens Burg ở Đức đã bị thuyết phục bởi những người Việt Nam đam mê nghiên cứu về càphê để đồng ý nhượng lại toàn bộ bảo tàng với hơn 10.000 hiện vật. Hiện trong bảo tàng chỉ mới đủ chỗ trưng bày chưa tới 1.000 hiện vật. |
Ở đây có những chiếc cối dùng giã cà phê cổ nhất ở Ethiopia; những chiếc ấm đựng càphê bằng đồng, bằng bạc, bằng gốm hoa văn tinh xảo của Nga, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ; túi da dê ủ ấm càphê; máy pha càphê được chế tạo từ nhiều thời kỳ khác nhau; chiếc cân tiểu li Hy Lạp để lường càphê... Ông Long nghĩ, càphê xưa kia rất quý hiếm, “chủ yếu dành cho giới thượng lưu nên những vật dụng pha chế mới kiểu cách, sang trọng như vậy. Còn càphê phải dùng cân tiểu li để không phí từng lượng nhỏ”.
Cô H’Thắng KBơ, người thuyết minh của bảo tàng, mời du khách vào khu hầm khác đối diện bảo tàng Càphê để xem biểu diễn cách pha chế càphê khác nhau. Người Ethiopia rang càphê trên lò than với một chút bơ thực vật, sau đó giã mịn và pha càphê uống với muối. Người Thổ Nhĩ Kỳ chọn những hạt càphê robusta và arabrica cho vào máy xay, nấu sôi bột càphê đến khi sủi bọt và uống cả bã càphê. Cách pha càphê Syphon ra đời ở Nhật Bản, nhưng người Đức thấy máy pha càphê Syphon của người Nhật hay quá nên mua về sử dụng và tạo thành phong cách uống càphê cầu kỳ bằng cách dùng đèn cồn để làm nóng nước trong bình chân không. Khu vực càphê uống theo phong cách Ý thu hút nhiều người nhất vì người pha dùng sữa tươi đánh lên bọt sữa và tạo nhiều hình rất đẹp trên mặt cốc càphê.
Cuối cùng H’ Thắng KBơ đề nghị khách thưởng thức càphê người Êđê pha. Họ thu những hạt càphê chín mọng trên cây, bỏ vào chum ủ muối trong ba ngày ba đêm. Sau đó trải phơi trên gác bếp cho khô, chọn lại những hạt ngon đem rang, giã mịn, rồi cho càphê vào túi lọc, bỏ vào bình nước nấu sôi để ra nước càphê vàng óng...
BÀI VÀ ẢNH: CÁC NGỌC