- Hà Nội - HCMC
- 086.268.0908
Nghĩa địa ... THỦY TÙNG
Khu hồ Ea Ral (xã Ea H’leo, huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc hiện đang nắm giữ trong lòng nó hàng ngàn “thân xác” của loài cây quý hiếm thời tiền sử cùng với thời gian tồn tại của loài… khủng long. Số lượng thủy tùng còn sót lại chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, và nó quý hiếm tới mức, sáu cán bộ kiểm lâm được trả lương cho việc 24/24 bảo vệ 270 cây gỗ, trả lương cho người dân trực tiếp canh giữ cây trước nạ săn kiếm thủy tùng ngày càng nóng ở đại ngàn Tây Nguyên... Cùng với đó, cuộc chiến giữ thủy tùng đang ngày càng căng thẳng giữa đại ngàn.
Đi tìm nghĩa địa thủy tùng
Cơn mưa đầu mùa khô khiến con đường đất bazan của cao nguyên Ea H’Leo (xã Ea Ral, huyện Ea H’Leo, Đắc Lắc) dịu đi màu đỏ vốn có. Thế nhưng, cơn mưa mỏng và hiếm hoi ấy, lại khiến con đường vào khu bảo tồn thủy tùng duy nhất với số lượng lớn nhất Việt Nam và châu Á, thêm khó tìm chỗ đặt được bàn chân, bởi vạt đất xốp mịn và nhiều mùn trở thành một thứ đặc quánh và nhớp nháp.
Người đàn ông bản địa luống tuổi có tên Nguyễn Văn Thuấn (xã Ea Ral) dẫn chúng tôi xuyên qua những đồi thông cổ thụ, và phải băng qua những vườn cafe trĩu cành chín đỏ đầu vụ để tới được khu bảo tồn thủy tùng lớn nhất Việt Nam, lớn nhất châu Á và cũng là lớn nhất thế giới. Đứng từ xa, ông trỏ về phía những ngọn cây khẳng khiu, rất ít lá đang đâm tua tủa lên trên trời. Đấy là quần thể thủy tùng với số lượng 250 cây duy nhất còn sót lại.
Để bảo vệ quần thể cây quý hiếm này, lực lượng kiểm lâm huyện Ea H’Leo đã phải xây dựng hẳn một trạm kiểm lâm ở ngay sát mép hồ, cắt cử 6 cán bộ thường xuyên túc trực 24/24 nằm vùng trong rừng, với sự trợ giúp của hai chú chó nghiệp vụ to như con bò mộng để ngăn chặn những tên lâm tặc, vì giá trị kinh tế của gỗ thủy tùng mà sẵn sàng băng qua khu hồ rộng mênh mông giữa trời đêm lạnh, để mang được một khúc thủy tùng to bằng... bắp chân, để sớm hôm sau có người sẵn sàng trả tới cả chục triệu đồng.
Khu vực quần thể thủy tùng rộng ngót 60 ha được rào bằng thép B40 chắc chắn, khu biệt hẳn với những vườn cafe và nghiêm cấm bất cứ ai không có nhiệm vụ được phép xâm nhập. Ông Thuấn cho biết, thủy tùng là loài thông nước, có đặc điểm hình dáng, lá... giống như thông, nhưng là loài sống ở sình lầy, có hoa, có quả nhưng không có hạt. Do đó, thủy tùng có thể được gọi là loài “vô sinh”. Việc nhân giống theo tự nhiên, con người không thể can thiệp.
Khoảng đầu những năm 1980, Ea Ral là vùng có nhiều thủy tùng sinh sống. Khi ấy, người dân địa phương chưa biết giá trị của loài gỗ mộc có tuổi đời xuất hiện cách đây hàng triệu năm, cùng thời với khủng long ăn cỏ. Thủy tùng quần tụ thành rừng ở khu vực hồ Ea Ral rộng mênh mông hàng trăm ha. Họ nhầm tưởng nó cũng là một loài thông, mọc dưới nước nên lá có đặc điểm khác với loài thông cạn.
Ông Thuấn nhớ lại, khi đó, để xây dựng hồ Ea Ral thành hồ thủy lợi lấy nước tưới tiêu cho hồ tiêu, cafe, chính quyền địa phương có chủ trương xây đập để kè hồ. Loài thông nước bị đốn hàng loạt, gỗ vất ngổn ngang dưới lòng hồ. Có thời gian, người dân xã Ea Ral lấy thân cây về làm cọc trồng hồ tiêu, làm chòi canh cafe, thậm chí còn làm... củi. Chỉ đến khi các nhà khoa học cho biết sự tuyệt chủng và “vô sinh” của nó, thông nước mới được người ta đưa vào danh sách nhóm gỗ quý IA, nằm trong danh mục bảo vệ đặc biệt, cấm chặt phá, vận chuyển, sử dụng gỗ thủy tùng vào các mục đích...
Tính đến thời điểm hiện tại, Ea Ral là vùng có số lượng thủy tùng còn sống sót nhiều nhất trên thế giới. Hồ Ea Ral cũng là “nghĩa địa” thủy tùng lớn nhất, còn rất nhiều thân gỗ, gốc thủy tùng... nằm sâu trong lòng hồ, kết quả của công trình xây kè thủy lợi hồ Ea Ral những năm 80 về trước. Cho nên, nó là “tầm ngắm” của bọn lâm tặc săn lùng thủy tùng, và cũng là điểm mà các cán bộ kiểm lâm mất ăn mất ngủ để bảo vệ, canh giữ.
Theo hướng tay chỉ của ông Thuấn, hồ Ea Ral rộng mênh mông, từ xa vẫn nhìn thấy những gốc cây còn sót lại nhô cao lên khỏi mặt nước đang mùa cạn. Không ai biết chính xác có bao nhiêu khối thủy tùng còn nằm dưới “nghĩa địa thủy tùng”, thế nhưng, ai cũng dám chắc một điều, đấy là điểm đang lưu giữ nhiều nhất những xác thủy tùng quý hiếm.
Câu chuyện của ông Thuấn bị cách quãng vì có tiếng xe công nông đầu ngang gằn lên phía góc vườn cafe, cách chỗ chúng tôi đứng chừng vài trăm mét. Tại đó, nhiều áo xanh kiểm lâm xuất hiện.
Dưới cơn mưa lạnh, ông Nguyễn Văn Thông – phụ trách trạm kiểm lâm bảo vệ 250 gốc thủy tùng Ea Ral đang bận rộn chỉ đạo và giám sát anh em làm nhiệm vụ. Ông Thông cho biết, trạm kiểm lâm đang huy động tất cả các cán bộ và vài thanh niên địa phương “giải cứu” súc gỗ thủy tùng vừa bị bọn lâm tặc táo tợn trục vớt từ lòng hồ đêm hôm trước. Khi bị đánh động, chúng đã vội vàng tháo chạy, và đã kịp thời giấu súc thủy tùng cổ thụ trong vườn cafe rậm rạp.
Khá vất vả, 5 thanh niên khỏe mạnh người bản địa cùng cán bộ kiểm lâm mới đưa được khúc gỗ nặng chừng một tấn, dài một mét, rộng 70cm lên thùng chiếc công nông để đem về Hạt Kiểm lâm Ea H’Leo. Ông Thông cho biết: khúc thủy tùng này ước tính có trên vài trăm năm tuổi, Một chiếc công nông đầu ngang của người bản địa được thuê tới. 5 kiểm lâm viên phải vật lộn trong một lúc lâu mới đưa được súc gỗ khổng lồ lên thành xe để mang về trụ sở Hạt.
Ông Thông cho biết: nếu súc thủy tùng này được vận chuyển trót lọt, giá trị của nó có thể lên tới cả trăm triệu, bởi những khúc thủy tùng đường kính lớn cỡ đó rất hiếm và quý, là nỗi thèm khát của những tên buôn thủy tùng. Kẻ xấu thường lợi dụng bà con, hứa cho tiền, cho gạo, cho ăn... để bà con vào trục vớt thủy tùng dưới lòng hồ Ea Ral cho chúng. Thời điểm mà chúng “gây án” thường vào ban đêm hoặc những ngày mưa bão. Tất cả các vụ trộm gỗ thủy tùng, có tới 99% kẻ trộm đều nhắm tới hồ Ea Ral – nơi duy nhất còn hàng ngàn mét khối gỗ thủy tùng đang nằm lại.
Một anh bạn thổ dân người địa phương dẫn chúng tôi đi tìm mua cặp bình được làm từ gỗ thủy tùng. Những nhà được dẫn đến, ban đầu đều dè dặt và từ chối vì tưởng chúng tôi là... công an. Nhưng khi biết là khách đi tìm mua thủy tùng, họ đều xởi lởi: “mua bao nhiêu cũng có”. “Ở Lắc, tìm bình thủy tùng sẵn lắm. Nhưng đấy là bây giờ. Còn vài ba năm nữa, có tiền tỷ cũng không mua được, vì dân săn thủy tùng đã vào “khoắng” hết, không vài năm nữa, lúc ấy thủy tùng chỉ còn tên trong... sách!”.
Cơn sốt Thủy Tùng
Ông Phạm Quang Vinh – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ea H’Leo cho biết: trong vài ba năm gần đây, các đại gia từ Sài Gòn về Ea H’Leo săn tìm gỗ thủy tùng đã khiến cả Ea H’Leo nóng lên vì cơn sốt gỗ thủy tùng. Một khúc gỗ thủy tùng rộng chừng 30 phân, cao chừng một mét, giá của nó là 12 triệu đồng. Đến khi thành phẩm, chắc chắn, giá của nó sẽ còn đội lên rất nhiều. Chính vì giá trị kinh tế của gỗ thủy tùng lớn như thế, lại ngày càng quý hiếm, cho nên quần thể thủy tùng duy nhất tập trung còn lại của Tây Nguyên, càng bị đe dọa, nhất là khi có thông tin người ta mua về để chiết xuất ra chất có khả năng điều trị... ung thư.
“Việc chữa được bệnh ung thư hay không, đấy chỉ là tin đồn của dân săn thủy tùng. Thế nhưng, cơn sốt gỗ thủy tùng ở Ea H’Leo thời gian gần đây là điều có thật. Nhiều người đã phá lán lấy gỗ thủy tùng mà ngày xưa lấy về làm cọc chống dựng lán, làm cọc cho hồ tiêu bám... để đem bán. Nhiều kẻ xấu cũng lợi dụng người dân bản địa, thuê họ đi trục vớt những súc gỗ thủy tùng ở dưới lòng hồ hoặc mua lại giá cao. Những điều đó đã khiến thủy tùng ngày càng bị tận diệt.
Ngoài 270 cây thủy tùng còn sống ở Ea Ral, Tây Nguyên còn lại duy nhất một điểm khác ở huyện Krông Năng nhưng số lượng không nhiều: 28 cây. Ở Buôn Hồ (Đắc Lắc) còn một cây duy nhất ngay phía chân cầu, kiểm lâm đã phải thuê người dân sống gần đó chăm sóc, bảo vệ, hàng tháng được trả 700.000 đồng cho công chăm sóc.
Từ đầu năm 2009 tới nay, kiểm lâm huyện Ea H’Leo đã bắt được 15 vụ khai thác, vận chuyển gỗ thủy tùng trái phép. Tất cả các hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng gỗ thủy tùng đều bị pháp luật nghiêm cấm và truy tố trước pháp luật.
Kiểm lâm huyện Ea H’Leo đã “khoán” gốc cây cho từng cán bộ bảo vệ. Gốc thủy tùng nào bị đốn hạ, sẽ quy trách nhiệm cho cán bộ đó để xử lý. Công tác quản lý thủy tùng cũng được thắt chặt đối với người dân, bằng việc nghiêm cấm triệt để sử dụng gỗ thủy tùng làm đồ trang trí.
Giá trị của gỗ thủy tùng nằm ở bộ vân. Vân gỗ thủy tùng tự nhiên, rất đẹp, không cần đánh véc ni, sơn bóng... Dân chơi thủy tùng thường tiện thành các bình trang trí, làm tam đa, con giống... Gỗ thủy tùng thơm, mềm, dẻo, nhưng đồng thời cũng rất cứng nếu ở trên khô.
Tùy theo từng độ tuổi mà thủy tùng có vân gỗ và màu gỗ khác nhau. Những cây thủy tùng non, tươi thường có màu trắng, màu xanh đen. Thủy tùng cổ thụ, ngâm nước lâu có màu đen gụ, màu đỏ... Dù ở độ tuổi nào, vân gỗ thủy tùng đều có đường nét và hình dáng vô cùng đẹp, cho nên, một cặp bình cao chừng 40 phân, giá của nó có thể lên tới cả chục triệu đồng.
“Chính những tin đồn thêu dệt đã là nguyên nhân.... giết chết thủy tùng đầu tiên. Thời gian rộ lên thông tin thủy tùng chữa được bệnh ung thư, hàng trăm người dân đổ vào nương, vào rẫy quanh khu vực bảo tồn thủy tùng Ea Ral để đào bới mong tìm được những gốc, những đoạn thủy tùng may ra còn sót lại. Nhiều kẻ táo tợn nửa đêm cắt lưới B40 để thâm nhập vào vườn thủy tùng, cưa trộm dù phải vượt qua vũng sình lầy ngập ngang người...” – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lắc cho biết.
Sẽ có “khu bảo tồn sinh cảnh Thủy Tùng”?
Vẫn theo hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Lắc, ông Phạm Quang Vinh: cái khó nhất đối với những người trông giữ, bảo vệ thủy tùng, đấy là vẫn chưa có chế tài thực sự đủ mạnh để răn đe những kẻ vi phạm pháp luật khai thác, vận chuyển, mua bán sử dụng thủy tùng.
Theo ông Vinh, thủy tùng thuộc nhóm gỗ 1A – nhóm đặc biệt quý hiếm. Những kẻ vi phạm pháp luật bảo vệ các loại gỗ thuộc nhóm này, theo luật, phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cái khó nhất là Việt Nam chưa có hội đồng thẩm định giá đối với thủy tùng, vì chưa bao giờ nó là... hàng hóa ngoài thị trường. Từ khi Chi cục kiểm lâm Đắc Lắc đề nghị lấy mức giá cao nhất của nhóm gỗ 2A áp giá cho thủy tùng, anh em mới có cơ sở để xử phạt kẻ vi phạm.
Những vụ việc mà anh em phát hiện, bắt giữ, giá trị kinh tế của tang vật thu được chỉ ở mức trên dưới 1 triệu đồng, do đó chỉ có thể xử phạt hành chính, cảnh cáo người vi phạm. Chính những chế tài có tình chất “răn đe” đó, càng khiến những kẻ tái phạm tội xâm hại tới loài cổ thực vật nằm trong sách đỏ nói trên, không có dấu hiệu... giảm xuống, mà trái lại ngày càng tăng.
Công tác tăng cường bảo vệ loài cây quý hiếm, theo ông Vinh, là đang hết sức bối rối và khó khăn, bởi giá trị kinh tế của gỗ thủy tùng quá lớn khiến người dân có thể bỏ cả làm nương rẫy để đi đào xới, tìm kiếm gỗ thủy tùng. Vô hình chung, một trong những biện pháp được tăng cường, đấy là quy trách nhiệm bảo vệ, chia đầu cây theo từng cán bộ kiểm lâm. “Một kiểm lâm phải chịu trách nhiệm bảo vệ gần 50 cây. Nếu để kẻ trộm chặt bỏ cây nào, cá nhân và cả tổ cán bộ trạm thủy tùng sẽ phải chịu trách nhiệm. Điều này khiến tinh thần trách nhiệm của mọi người được đẩy cao, nhưng nó cũng là áp lực rất lớn, vì rõ ràng, với 6 người phụ trách gần 60ha của khu bảo tồn thủy tùng Ea Ral là quá mỏng!”.
Đầu tháng 8/2009, Hạt kiểm lâm huyện Lắc đã có tờ trình gửi Chi cục kiểm lâm Đắc Lắc về việc xin thành lập Khu bảo tồn sinh cảnh Ea Ral để mở rộng khu bảo tồn quần thể thủy tùng để từ đó có định hướng bảo vệ về lâu dài. Tuy nhiên, ý tưởng ấy vẫn chỉ là ý tưởng, bởi Hạt kiểm lâm huyện Lắc vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi từ lãnh đạo!!!
“Khu thủy tùng Ea Ral được UBND tỉnh Đắc Lắc quy hoạch là rừng đặc dụng từ năm 1987, tuy nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh Ea Ral lại chưa có quyết định thành lập chính thức, do đó rất khó khăn về mặt pháp lý để có thể xây dựng các đề án bảo vệ thủy tùng!” – ông Vinh bày tỏ.
Amycafe.info sưu tầm